Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Béo phì gây nhiều bệnh nguy hiểm

12 tuổi - 60kg, một trường hợp ít nhưng không phải là hiếm trong thời đại hiện nay, khi các phụ huynh luôn muốn nhồi nhét cho con cái yêu quý tất cả những gì mà họ cho là bổ dưỡng nhất, tốt nhất cho sức khỏe cục cưng của mình. “Cháu thỉnh thoảng chỉ bị đau tức từ hai bên sườn trở lên, ngoài ra không có biểu hiện gì đặc biệt”, người mẹ cho biết, nhưng vì quá lo lắng nên chị dẫn cháu đi khám tổng quát cho chắc ăn…

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ cho biết cháu có dấu hiệu bị gan nhiễm mỡ, người mẹ vẫn không tin vào kết quả: “Cháu nó mới 10 tuổi, có tiếp xúc với rượu bia đâu mà gan nhiễm mỡ”. Chị nhất định cho rằng, trẻ con thì không thể nào bị gan nhiễm mỡ hay mỡ trong máu và chỉ có rượu bia hay đái tháo đường mới là nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ.

Bác sĩ tốn không ít lời giải thích cho người mẹ về câu chuyện này. Thực tế cho thấy: trẻ ăn uống không có điều độ, dinh dưỡng quá thừa thãi, cân nặng vượt quá mức tiêu chuẩn, béo phì. Ngay cả trẻ chán ăn, gầy gò, dinh dưỡng kém cũng dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ. Đó là do năng lượng mà cơ thể cần để tiêu hao ở vào tình trạng không thể đáp ứng được nhu cầu trong thời gian dài, cơ thể sẽ huy động chất béo toàn thân phân giải ra thành acid béo để vận chuyển vào gan, nhưng gan không thể biến đổi tất cả lượng axít béo này thành năng lượng nên số còn thừa sẽ bị tích trữ lại trong gan, cũng hình thành nên gan nhiễm mỡ.

Tất nhiên, rồi người mẹ cũng buộc phải hiểu con mình đang mắc phải điều gì, tất cả các xét nghiệm, hình ảnh đều rất rõ ràng. Điều trị cho trẻ bị gan nhiễm mỡ cấp độ 1 không phải là điều quá khó nếu tuân thủ chặt chẽ. Ngay khi phát hiện ra trẻ bị mắc bệnh gan nhiễm mỡ, các bà mẹ cần lập tức điều chỉnh từ chế độ ăn uống đến chế độ vận động của trẻ. Cần chú ý kết cấu hợp lý về dinh dưỡng cho trẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Nên ăn nhiều protein và vitamin, ăn ít chất đường và chất béo. Không ăn hoặc chỉ ăn thật ít mỡ, gan động vật hay đồ ăn ngọt. Trẻ phải ăn nhiều rau xanh, hoa quả cùng những thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao. Ăn nhiều cá, đậu bởi đó là thực phẩm dễ tiêu hóa. Không nên cho trẻ ăn vặt hay ăn thêm bữa trước khi đi ngủ. Cần phải đảm bảo cho trẻ có giấc ngủ đầy đủ. Đồng thời cũng lựa chọn và cho trẻ vận động hợp lý. Mỗi ngày phải bắt trẻ vận động bằng cách chạy bộ, bơi lội hoặc tập luyện các bài thể dục, thể thao giúp thúc đẩy tiêu hao chất béo trong cơ thể. Nên cùng trẻ kiên trì tập luyện.

Trên đây là một trường hợp điển hình để các bà mẹ thấy, mình cần phải hiểu sức khỏe của con cái thân yêu mình như thế nào. Đừng bao giờ coi thường dù là những biểu hiện nhỏ nhất ở trẻ bởi sức khỏe trong giai đoạn phát triển là điều cực kỳ quan trọng, điều này sẽ quyết định tương lai của trẻ sau này.

Nguyễn Tùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét