Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Để bé yêu luôn khỏe mạnh trong mùa đông

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về Nhi khoa và Dinh dưỡng, gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội; Phó trưởng Khoa Miễn dịch Dị ứng, BV Nhi T.Ư. TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi T.Ư; Phó Chủ nhiệm bộ môn Nhi, ĐH Y Hà Nội. ThS.BS Lê Thị Hải - Nguyên GĐ Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Các chuyên gia tham dự chương trình

Giải thích vì sao cứ bước vào mùa đông – xuân, số trẻ nhập viện thường tăng đột biến, PGS. Thúy cho rằng, đây là thời điểm chuyển mùa, những vi khuẩn, virus tồn tại sẵn trong môi trường và cơ thể con người đang từ thể không hoạt động sang thể hoạt động. Trẻ em lại là đối tượng có miễn dịch yếu, khả năng chống chọi kém nên dễ nhiễm vi khuẩn, virus. Cứ thay đổi thời tiết, từ mưa sang nóng, hoặc nhiệt độ trong ngày chênh lệch khiến trẻ ngủ dậy thường hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi… Nếu trẻ đi học trong môi trường chật hẹp thì càng dễ nhiễm khuẩn, lây bệnh, trong đó thường gặp nhất là các bệnh lý đường hô hấp, ước tính cứ 10 trẻ đến khám có 6-7 trẻ bị bệnh lý đường hô hấp (gồm bệnh đường hô hấp trên, dưới, mũi, họng, viêm VA, viêm tai, nặng là viêm phổi, viêm thanh quản...); bệnh dị ứng (viêm mũi dị ứng, hen phế quản…); bệnh tiêu hóa (tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…); bệnh truyền nhiễm (tay chân miệng, sởi...). Do đó, để phòng và điều trị bệnh hiệu quả cho trẻ vào mùa đông – xuân, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay và hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh các bệnh lây nhiễm. Đặc biệt, tiêm chủng là vấn đề cốt lõi giúp phòng tránh các bệnh có thể cứu chữa được. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh như hắt hơi, sổ mũi... cần đưa trẻ đi khám, không lạm dụng kháng sinh, không tự ý dùng thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Trong các bệnh hô hấp, viêm phổi là một trong những bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và gây ra những biến chứng khó lường nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Chị Nguyễn Anh Thơ (Lào Cai) lo lắng hỏi cách chữa trị như thế nào để khỏi bệnh viêm phổi biến chứng sang phù phổi cấp cho bé 13 tháng tuổi. PGS. Thúy tư vấn, phù phổi cấp là biến chứng rất nặng trong viêm phổi, đe dọa tử vong. Phù phổi là phổi bị phủ toàn bộ dịch, bệnh nhân phải thở oxy. Có thể đây là một biến chứng suy hô hấp, trẻ cũng cần nhập viện sử dụng kháng sinh và chăm sóc đặt biệt. Phụ huynh nên cho cháu nhập viện sớm để được điều trị kịp thời. Về chế độ dinh dưỡng cho trẻ phù phổi cấp, ThS. Lê Thị Hải khuyên, nếu trẻ trong giai đoạn ăn bổ sung, cần cho trẻ uống sữa công thức, món ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, hóa lỏng thức ăn (giá đỗ, mạch nha...) giúp trẻ dễ nuốt, hoặc có thể đặt xông. Trẻ bị bệnh thường ăn ít nên mẹ cần chia nhỏ bữa ăn. Trẻ bị bệnh nặng sẽ được sự hỗ trợ chăm sóc của đội ngũ y tế. Khi trẻ hồi phục, mẹ nên tăng bữa, bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn dễ tiêu hóa để trẻ nhanh bình phục sức khỏe. Trẻ đang bú mẹ chỉ cần ăn đủ sữa mẹ, vắt sữa mẹ cho con ăn để tăng cường miễn dịch.

Bạn đọc có email: hoangduy@gmail.com không khỏi băn khoăn khi con gái 9 tháng tuổi bị sốt 39 độ C uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, trẻ không ho, không sổ mũi nhưng đi ngoài liên tục 7-8 lần/ngày, ăn uống kém hẳn. Trường hợp này, TS. Việt Hà cho rằng, bé có tiêu chảy và cần được điều trị bằng bù nước, bù điện giải, bổ sung kẽm, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trẻ sốt do nhiễm virus hay nhiễm khuẩn kèm theo có thể dùng thêm thuốc kháng sinh. Cha mẹ cần cho trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác, có điều trị hợp lý. TS. Hà cũng cho biết thêm, bệnh liên quan đến tiêu hóa thường gặp là tiêu chảy cấp do virus, vi khuẩn, mùa đông - xuân thường gặp do rotavirus. Nguyên nhân do sự mất nước điện giải, trẻ nôn trớ khi ăn, hấp thu chất dinh dưỡng giảm, giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể, trong khi mùa đông cần nhiều năng lượng để làm việc, hoạt động và chống rét. Do đó, cha mẹ cần tăng sức để kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn đủ bữa, cung cấp đủ chất đạm, protein. Tăng cường vitamin và khoáng chất A, C, D, kẽm, sắt, canxi...

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp đề kháng bệnh tật ở trẻ. Trong thời tiết lạnh, để tránh mắc bệnh, ThS. Hải khuyến cáo cha mẹ nên ưu tiên các nhóm thực phẩm tăng đề kháng cho cơ thể trẻ. Cần cho trẻ ăn đủ chất đạm giúp trẻ có nhiều năng lượng. Nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ là điều vô cùng quan trọng, ngoài cung cấp các vitamin cần thiết, sữa mẹ còn tăng cường sức đề kháng cho trẻ…

Sau gần 2 giờ diễn ra chương trình vẫn có rất nhiều độc giả gửi câu hỏi về nhờ các chuyên gia giải đáp. Chúng tôi sẽ tiếp tục trả lời bạn đọc trong chuyên mục Phòng mạch Online trên báo điện tử suckhoedoisong.vn. Kính mời bạn đọc theo dõi.

Dương Hải

0 nhận xét:

Đăng nhận xét